Du lịch đường sắt: Làm gì để viên ngọc tỏa sáng? (Bài cuối): Để tàu đi trong yêu thương chào đón

VHO- Gần đây, đã trên hai lần, tuyến đường sắt Việt Nam dọc từ Bắc vào Nam luôn nằm trong top được ưa chuộng và trải nghiệm yêu thích nhất đối với du khách quốc tế, qua sự bình chọn của những trang du lịch nổi tiếng từ Nga, Mỹ…

Du lịch đường sắt: Làm gì để viên ngọc tỏa sáng? (Bài cuối): Để tàu đi trong yêu thương chào đón - Anh 1

 Du khách nước ngoài trải nghiệm trên những chuyến tàu và khoe nhau bức ảnh vừa chộp được qua cửa sổ

Nhưng với những ai đau đáu về việc làm thế nào để ngành đường sắt thu hút du khách sâu hơn nữa đến với mình qua những trải nghiệm đầy thú vị mà không phương tiện nào chen lấn hay cạnh tranh được, chắc sẽ thấm những ca từ trong nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa ra đời cách đây gần nửa thế kỷ “Tàu anh qua núi”, rồi đặt câu hỏi đầy day dứt, rằng “tàu anh đi trong yêu thương chào đón…” bằng giải pháp nào nữa.

“Thật nhớ đời…”

Cuối tháng 5 vừa qua, chuyên trang du lịch Lonely Planet đã vinh danh 8 tuyến đường sắt đẹp, đáng trải nghiệm nhất trên thế giới và bất ngờ Việt Nam đứng ở vị trí nhất bảng với tuyến đường sắt Thống Nhất, hay còn gọi là tuyến đường sắt Bắc - Nam. Báo chí đưa tin rầm rộ, những người làm du lịch ai cũng thấy vui, nhất là những doanh nghiệp đang “bắt tay” với ngành đường sắt, tuy nhiên ở đâu đó vẫn mang dáng điệu bình thản đến không ngờ, gần như coi việc ấy, danh hiệu ấy đang ở đâu đó xa lắm, không cần chớp lấy cơ hội đáng giá này.

Người viết là một trong những hành khách thâm niên của ngành đường sắt từ thời chập chững lên ba theo cha mẹ lên đoàn tàu chợ đầy mùi… về quê. Cho đến quãng đời sinh viên cũng luôn gắn bó với hỏa xa bởi sự ám ảnh từ câu chuyện của nhà văn Thạch Lam, bằng những chuyến đi “chui” hay trốn vé. Mấy năm gần đây, từ công việc hay chuyện gia đình rồi đi du lịch, người viết luôn lựa chọn đi tàu là phương án số một bởi nó không bị chậm giờ, hủy chuyến như máy bay, cũng không lo mất an toàn như chuyến xe giường nằm chạy như “quan tài bay”. Cũng vì thế mà có đôi chút so sánh ngày nay với cách đây vài chục năm. Nếu ai đó đã từng đi tàu hỏa từ thập niên 90 của thế kỷ trước chắc vẫn còn lưu giữ trong mình sự khó chịu và ám ảnh nhất định, mà nếu có viết ra cả chục trang chưa thể kể hết. Thời đó, “chuyện ấy” xem ra cũng rất bình thường bởi sự cạnh tranh giữa các phương tiện chưa cao, nói khác đi, ngành đường sắt vẫn là sự ưu tiên của nhiều người.

Rồi chục năm trở lại đây, mạnh dạn mà nói rằng ngành đường sắt đã biết “bôi son, điểm phấn” từ hình thức cho đến tận sâu bên trong. Được trải nghiệm trên nhiều chuyến tàu từ Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đà Nẵng hay những chuyến tàu SE3, SE4 từ Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại, có lẽ ai nấy cũng thấy hài lòng bởi chất lượng chạy tàu cho đến cơ sở vật chất của buồng phòng, nơi vệ sinh và nhất là thái độ niềm nở, nhiệt tình của đội ngũ nhân viên trên từng toa xe. Anh Trần Văn Đông, một người làm nghề du lịch lâu năm ở Hà Nội không giấu niềm vui khi gần đây đưa 10 khách Pháp vào Đà Nẵng bằng tàu hỏa: “Ban đầu tôi lên kế hoạch đưa khách vào đó bằng máy bay nhưng họ lại có việc khác nên bị lỡ chuyến. Nghĩ bụng, đi tàu hỏa sợ họ chê vì vừa lâu, vừa nhếch nhác, không chuyên nghiệp nên đã thuê xe ô tô. Nhưng khách nói, sao không đi tàu, tôi lại càng sợ. Vì chiều khách nên chọn đi tàu. Thế mà, lên tàu, họ được trải nghiệm với cảm giác thật ấn tượng, từ buồng phòng sạch sẽ cho đến nhân viên phục vụ ứng xử văn minh, rồi khi đến đèo Hải Vân, cả đoàn khách nhào ra ngoài chụp ảnh. Khi về, họ tiếp tục đề nghị đi tàu. Lúc đó tôi bất ngờ lắm, thật nhớ đời”.

Vài năm nay, lật giở những trang báo mạng cùng với chính thực tế qua những chuyến đi của người viết trên các chuyến tàu, có thể thấy lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam và tìm kiếm, muốn trải nghiệm bằng phương tiện tàu hỏa ngày càng nhiều, thậm chí có thời điểm tạo ra sự “đột biến” khi ngành đường sắt tạo ra những sản phẩm mới với những chuyến tàu chất lượng cao, chuyến tàu với buồng phòng, phục vụ đạt 5 sao qua những chặng đường vừa đủ để khách trải nghiệm. Những tuyến đường mà du khách quốc tế thường tìm đi là Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Huế, Hà Nội - Đà Nẵng, Nha Trang - TP.HCM…, bởi ở đó không chỉ là những nơi cảnh trí yên bình mà còn có khung cảnh đẹp đến không thể tả nổi. Và đến giờ chắc không còn ai nghi ngờ gì nữa, Việt Nam đã, đang sở hữu tuyến đường sắt đẹp, đáng trải nghiệm nhất trên thế giới với cung cách sống chậm để nghiệm sinh, để tự nghiệm mình. Đó như một cuốn sách mà chúng ta không thể đọc mỗi trang mà cần đọc suốt trong dọc dài đất nước Việt. Nhưng, thế vẫn là chưa đủ…

Du lịch đường sắt: Làm gì để viên ngọc tỏa sáng? (Bài cuối): Để tàu đi trong yêu thương chào đón - Anh 2

 Đoạn qua đèo Hải Vân là cung đường mà những ai đi tàu hỏa đều không thể bỏ qua vì cảnh quan thiên nhiên nơi đây

Vẻ đẹp lại ẩn đi?

Có thể nói, để “tàu anh đi trong yêu thương chào đón” của mọi du, hành khách như cố nhạc sĩ tài hoa Phan Lạc Hoa nhắn nhủ cách nay gần nửa thế kỷ, ngành đường sắt cũng đã có nhiều nỗ lực với nhiều giải pháp tích cực như liên kết, “tự lực cánh sinh”… Tuy nhiên, “vẻ đẹp tiềm ẩn” ấy vẫn chưa khai thác được là bao.

Một chuyên gia du lịch tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội có lần nói với người viết rằng, đường sắt Việt Nam men theo dọc dài đất nước với hình chữ S siêu đẹp, chứa đựng biết bao vẻ đẹp vừa tiềm ẩn vừa tỏa sáng thế mà vẫn chưa khai thác hết cảnh quan, không gian tự nhiên chứ chưa nói đến vốn “truyền thống”. Ông nói thêm, vốn “truyền thống” ấy chính là lịch sử ra đời năm 1881 và khổ đường sắt ấy kéo dài cho đến tận ngày nay. Dù có cải tiến toa xe, chống đỡ rung lắc, buồng phòng sạch sẽ, cung cách phục vụ tận tình, chu đáo nhưng vẫn là một “đặc sản” trên thế giới mà ai đó khi đến chúng ta cũng muốn một lần trải nghiệm. Vì sao, nhiều quốc gia trên thế giới đã xa rồi những đoàn tàu “truyền thống” như thế, đã xa rồi khổ đường sắt như vậy, thay vào đó là những đoàn tàu cao cấp và cao tốc chạy với tốc độ chóng mặt. Chính sự chạy chậm và rung lắc đã đưa lại cho ngành đường sắt Việt những trải nghiệm đầy thú vị, đáng yêu từ cảm nhận, quan sát cho đến hoài niệm. Thế nhưng, điều này ít ai chú ý đến mà chỉ chăm chăm đi tìm cái hiện đại, vẻ đẹp bề ngoài. Trong khi làm du lịch từ đường sắt, nhất lại là đường sắt Việt Nam thì sự ưu thế vốn có, hay nói cách khác là sự “lạc hậu” của mình qua một vẻ đẹp tiềm ẩn lại chưa được chú trọng khai thác một cách triệt để. Du khách quốc tế đến với “cà phê đường tàu” không hẳn là họ thích con tàu đó, cái họ thích chính là, đến thời điểm này, ở Việt Nam vẫn có những con tàu chạy như thế ở nội đô.

Ở một góc độ khác chúng tôi nhận thấy rằng, dù có những nỗ lực nhằm tìm ra sự khác biệt trong việc lôi léo hành khách đến với mình, trong đó có du khách nước ngoài như cải tiến toa xe, liên kết với một số doanh nghiệp du lịch biến toa tàu như một khách sạn 5 sao…, nhưng vẫn có một cái thiếu, không thường xuyên đó chính là công tác truyền thông, gây dựng hình ảnh, nhất là phát huy cơ hội mà người khác mang lại. Lấy một dẫn chứng rất nhỏ để thấy rằng, công tác truyền thông, quảng bá của ngành đường sắt đang còn “ngủ mơ”. Cuối tháng 5 vừa qua, chuyên trang du lịch Lonely Planet đã vinh danh tuyến đường sắt Thống nhất Việt Nam là tuyến đường sắt đẹp, đáng trải nghiệm nhất trên thế giới. Và xin nhớ rằng đây không phải lần đầu tuyến đường sắt Bắc - Nam được vinh danh như vậy. Vậy mà, ngay trên trang thông tin chính thức của mình là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại địa chỉ vr.com.vn cũng chỉ đăng vỏn vẹn mẩu tin “ĐS Thống Nhất đứng thứ nhất trong các hành trình xe lửa tuyệt vời nhất thế giới”, ngoài ra không hề có sự kiện, hoạt động nào kèm theo hay sau đó, còn báo chí và mạng xã hội thì lẻ tẻ đưa tin, không hề khai thác.

Có thể thấy, sự vinh danh “ĐS Thống Nhất đứng thứ nhất trong các hành trình xe lửa tuyệt vời nhất thế giới” là một cơ hội, một sự “câu view” hiếm có để ngành đường sắt nắm bắt để quảng bá, thu hút khách hàng đến với mình. Bỏ lỡ cơ hội đó, không làm cho nó trở thành một sự kiện gây sự chú ý mạnh từ dư luận, đặc biệt là du khách quốc tế và nội địa cũng đồng nghĩa đánh mất đi cơ hội truyền thông “kim cương”. Và không chỉ đối với sự vinh danh hiếm có đấy, còn nhiều cách truyền thông, quảng bá khác mà chính ngành đường sắt đã làm lu mờ đi giá trị, dù đó là những câu chuyện rất nhỏ song lại có sức tác động lớn đến xã hội. Cải tiến kỹ thuật, chuyển đổi số, hay là những phong trào làm đẹp đường sắt… là điều đáng quý, nhưng nếu bỏ qua vai trò và vị trí của truyền thông, quảng bá hình ảnh của mình, hoặc xem nhẹ nó, thì ngành đường sắt chắc sẽ chưa thể “tàu anh đi được yêu thương chào đón”. 

 NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc